• slider
  • slider

Cấu tạo câu trong tiếng Hàn phần 1

Trong bất kì ngôn ngữ nào thì ngoài từ vựng thì cấu trúc câu để tạo nên một câu nói luôn luôn quan trọng, tiếng Hàn cũng thế nhưng ngữ pháp và cấu tạo nên câu của tiếng Hàn sẽ khó và nâng cao hơn so với các dạng câu cơ bản tiếng Hàn từng biết trước đây.
Cùng tìm hiểu và phân tích rõ hơn những điều tạo nên một câu trong ngữ pháp tiếng Hàn qua bài viết này nhé.
 

1. Thành phần câu:

 
Thành phần câu trong tiếng Hàn, được đề cập một cách đơn giản là: “한 문장을 구성하는 요소들을 문장의 성분이라 한다”. Tuy nhiên, nên hiểu một cách cụ thể hơn, thành phần câu là các yếu tố (từ hay cụm từ) hoạt động chức năng trong câu, biểu thị các quan hệ cú pháp nhất định và ở trong thế liên quan cú pháp nhất định. Ví dụ: chủ ngữ, trạng ngữ .... là các thành phần câu.
 
Chú ý, đơn vị ngữ pháp cơ bản trong tiếng Hàn có thể tham gia đảm nhận thành phần câu có thể là từ, tiết đoạn, cụm từ hay mệnh đề. Tuy nhiên, tiểu từ độc lập một mình không thể làm thành phần câu, mà bắt buộc phải kết hợp với một thể từ (danh từ, đại từ, số từ) mới có thể đảm nhận vai trò thành phần câu: “문장의 성분이 될 수 있는 말의 단위는 단어, 어절, 구, 절이다. 조사는 그 단독으로는 문장의 성분이 될 수 없고 반드시 체언이나 체언의 구실을 하는 말에 붙어서 그들과 한 덩어리가 되어 문장의 성분이 된다. 곧 체언과
함께 한 어절이 되어야만 문장 성분의 자료가 된다.”
 

2. Thành phần chính của câu:

 
Là những thành phần cốt lõi, không thể thiếu của câu, ví dụ như chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ. “주성분은 문장성립에 필수적인 것으로 그것이 빠지면 불완전한 문장이 된다.”. Trong tiếng Hàn, thành phần chính của câu gồm có các thành phần: 주어 (chủ ngữ), 서술어 (vị ngữ), 목적어 (bổ ngữ), 보어 (ngữ bổ sung).
 
dạy tiếng hàn cho người việt
Tìm hiểu cấu tạo câu tiếng Hàn
 

3. Thành phần phụ của câu:

 
Là các thành phần ở trong mối liên hệ phụ thuộc vào thành phần chính của câu hoặc giữa chúng với nhau, dùng để giải thích, bổ sung, chính xác hoá ý nghĩa cho các thành phần nòng cốt. “문장의 골격을 이루는 데 아무 기여를 하지 못하고 다른 성분에 딸려 있는 성분이라 한다. 문장 부속성분은 문장성립에 필수적으로 요구되는 것이 아니므로 수의적 성분이라고도 한다.”. Thành phần phụ câu tiếng Hàn gồm có hai loại chính: 부사어 (trạng ngữ) và 관형어  (định ngữ).

>> Xem thêm: Những kinh nghiêm khi tự học tiếng Hàn tại nhà
 

4. Câu đơn và câu phức:

 
a) Câu đơn (단순문): “주어와 서술어가 하나씩 있어서 그 관계가 한 번만 이루어지고 있는 문장을 홑문장 (단문)이라 한다”. Có thể hiểu câu đơn là câu được hình thành bởi một cặp chủ vị, có thể có câu đơn chỉ đơn thuần hình thành nên từ chủ ngữ và vị ngữ, những cũng có thể có những câu đơn bao gồm cả các thành phần bổ nghĩa như định ngữ, trạng ngữ. Câu đơn có vị ngữ là ngoại động từ sẽ đòi hỏi phải có mặt thêm thành phần bổ ngữ.
 
b) Câu phức(복합문): 주-술 관계가 한 번 이상 이루어져 있는 문장을 겹문장(복합문장)이라 한다”. Câu phức là câu chứa từ hai kết cấu chủ - vị trở lên. Xét mối quan hệ giữa các kết cấu chủ - vị trong câu phức có thể phân biệt câu câu ghép (이어진문장, 연합복문) và câu phức mở rộng thành phần (안은문장, 포유복문).
 
dạy tiếng hàn cho người việt
 
b1) Câu ghép (이어진 문장, 연합복문)
 
Câu ghép là câu gồm hai hoặc nhiều vế cùng loại hình với câu đơn về cấu trúc ngữ pháp được ghép nối với nhau tạo thành một câu lớn hơn, thống nhất về ý nghĩa, cấu tạo và ngữ điệu. Trong tiếng Hàn các mệnh đề(câu đơn) có quan hệ
 
với nhau về ý, được ghép lại nhờ vào các đuôi từ liên kết để tạo nên câu ghép. Đuôi từ liên kết (연결어미: Conjunctive ending) được gắn vào sau vị ngữ chính của mệnh đề làm vế trước, giải nghĩa cho mệnh đề này và nối nó với mệnh đề làm vế sau. ý nghĩa mà đuôi từ liên kết mang lại có thể biểu hiện quan hệ bình đẳng hoặc cũng có thể biểu hiện quan hệ phụ thuộc về ngữ pháp giữa các vế của câu. Do đó, căn cứ theo loại đuôi từ liên kết được kết hợp trong câu, người ta chia câu ghép ra thành câu ghép đẳng lập(대등접속: coordinate conjunction) và câu ghép phụ thuộc(종속접속: subordinate conjunction).

>> Xem thêm: 
Số đếm trong ngữ pháp tiếng Hàn​
 
b1.1. Câu ghép đẳng lập:
 
Còn gọi là ghép song song, gồm hai hay nhiều vế câu diễn đạt ý nghĩa độc lập, liên kết với nhau bằng quan hệ bình đẳng. Căn cứ theo đuôi từ liên kết câu ghép đẳng lập có những loại tiêu biểu sau:
 
- Liên kết theo quan hệ liệt kê hai hay nhiều việc: sử dụng các đuôi liên kết “-고”(và); “-(으)며”(vừa kiêm).
 
- Liên kết biểu hiện hai hay nhiều sự việc cùng đồng thời xảy ra: - (으)면서(vừa... vừa...).
 
- Liên kết biểu hiện hai hay nhiều sự việc nối tiếp nhau, xảy ra gần như cùng một lúc: -자(ngay khi).
 
- Liên kết biểu tuần tự xảy ra trước sau, một cách liên tục của hai hay nhiều hành động: -고서(xong...), -다가(rồi thì...),  -(아/어)서(rồi).
 
- Liên kết biểu thị sự lựa chọn hoặc phủ nhận lựa chọn: -거나(hay, hoặc), -든지(hay hoặc).
 
- Liên kết biểu thị ý nghĩa đối nghịch nhau: -(으)나(nhưng), -지만(tuy...nhưng).
 
Số lượng các đuôi từ liên kết tạo nên câu ghép đẳng lập tương đối ít, số đuôi từ liên kết còn lại, đa số là các đuôi từ biểu hiện quan hệ phụ thuộc cho câu.
 
b1.2. Câu ghép phụ thuộc:
 
Còn gọi là câu ghép chính phụ, gồm hai hay nhiều vế câu liên kết với nhau theo quan hệ phụ thuộc về ngữ pháp, trong đó có vế câu mang ý chính và vế câu mang ý phụ. Có những loại đuôi từ liên kết tiêu biểu sau, đem lại những quan hệ riêng biệt cho các vế câu.
 
- Liên kết theo quan hệ điều kiện, giả định: -(으)면(nếu), -라면(nếu là), -거든(nếu như), -더라도(cho dù, thậm chí), -(아/어)도(dù).
 
- Liên kết theo quan hệ nguyên nhân, lý do: -(으)니까(do), -(으)므로(vì), -(아/어)서(vì)
 
- Biểu thị sự tiến dần của một sự việc so với sự việc khác: (으)ㄹ 뿐더러(không chỉ...còn), -(으)ㄹ 수록(càng... càng...)
 
- Biểu thị ý đồ, mục đích: -(으)려고(...định...), -고자(...muốn...), -(으)러(...để...).
 
- Biểu thị sự bắt buộc: -(아/어)야(phải... mới...).
 
- Cho thấy bối cảnh nào đó của sự việc: -(으)ㄴ/는데( ...mà..., ...thế mà...)
 
- Thể hiện quan hệ đạt đến mức độ nào đó của một sự việc: 도록(... để mà..., ...sao cho ...).
 
dạy tiếng hàn cho người việt
 
Nhìn chung số lượng các đuôi từ liên kết trong tiếng Hàn rất nhiều, các đuôi từ liên kết này đôi khi có ý nghĩa ngữ pháp rất gần nhau, nhưng lại phân biệt rõ ràng với nhau ở những nét sắc thái ý nghĩa và tình huống sử dụng. Có một số đặc điểm sau trong việc dùng đuôi từ liên kết để tạo lập nên câu ghép:
 
- Đuôi từ liên kết được kết hợp vào bộ phận vị ngữ của một mệnh đề, đem lại những ý nghĩa ngữ pháp khác nhau cho toàn thể câu ghép. Nó được kết hợp lựa chọn theo từng loại vị ngữ khác nhau, có những đuôi từ chỉ kết hợp được với vị ngữ là động từ(ví dụ: mục đích:  -(으)러, ý đồ: -(으)려고, bối cảnh công việc: -는데, điều kiện, giả định: -(으)면...), có những đuôi từ chỉ kết hợp được với vị ngữ là tính từ hay tiểu từ “이다”(tương đương hệ từ: “là”)(ví dụ: -(으)ㄴ데), có những đuôi từ chỉ kết hợp được với vị ngữ là từ “이다”(ví dụ: điều kiện, giả định: -라면, kết quả ngược lại với dự đoán: -라도)... Tất cả những đuôi từ này, như vậy, đã xác lập nên một hệ thống tiêu chuẩn hình thái trong quá trình biến đổi dạng thức của vị từ, hay nói cách khác là quá trình chắp dính đuôi từ ngữ pháp vào thân từ trong tiếng Hàn.
 
- Có những loại đuôi từ liên kết yêu cầu chủ ngữ hay một số thành phần khác trong các vế trước và sau phải là một. Trường hợp này, để tránh phải nhắc lại, những thành phần trùng lặp có thể được lược bỏ.
 
Ví dụ: 작은 아이가 빨간 색종이를 접어서 네 조각으로 반듯하게 잘랐다 (Đứa nhỏ gấp giấy màu đỏ lạo rồi cắt ngay ngắn thành bốn mảnh.)
 
- Mỗi đuôi từ liên kết đều có ý nghĩa đặc thù riêng, theo đó chúng cũng bị ảnh hưởng bởi những hạn chế về mặt ngữ pháp trong cách sử dụng. Chẳng hạn những đuôi từ biểu hiện sự việc ở vế trước luôn xảy ra trước so với vế sau như: -고서, -아/어서, -자, -(으)ㄹ 수록... thường không thể kết hợp với các yếu tố chỉ thời như: -았/었(quá khứ), -겠(tương lai), -더(hồi tưởng) trong quá trình chắp dính vào vị ngữ của vế câu để liên kết với các vế khác.
 
- Không phải bất cứ đuôi từ liên kết nào cũng có khả năng xuất hiện trong tất cả các câu như trần thuật, nghi vấn, đề nghị, mệnh lệnh. Có những đuôi từ liên kết bị giới hạn, chỉ xuất hiện ở một số loại hình câu theo mục đích phát ngôn. Chẳng hạn các đuôi liên kết: -(아/어)야(phải), -느라고(do), -거니와(còn), -자(vừa mới, ngay khi)... không thể xuất hiện trong những câu ghép có đuôi kết thúc định dạng câu loại mệnh lệnh hay đề nghị; các đuôi từ như: “-느니(vì), -지만(tuy nhưng) không thể xuất hiện trong câu nghi vấn; đuôi từ: “-거든”(điều kiện, nếu) không thể xuất hiện trong câu trần thuật hay câu nghi vấn...
 
Nguồn: Internet
Học tiếng Hàn